
Mặc dù, Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên tương lai về lĩnh vực dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh vẫn chưa chắc chắn. Dưới sự tác động của Brexit, Vương quốc Anh đang tìm nhiều hướng đi mới để đảm bảo vị trí trung tâm tài chính toàn cầu cũng như tiếp cận các thị trường tài chính mới dễ dàng hơn.
Ngay khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào cuối năm 2020, ngày 30/12/2020, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ký Hiệp định Thương mại và Hợp tác (TCA) – một thỏa thuận “hậu Brexit”, theo đó cho phép áp dụng tạm thời từ ngày 01/01/2021. Thỏa thuận bao gồm các quy định về đánh bắt cá, hợp tác hai bên trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, tư pháp, cảnh sát cùng nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, TCA lại đề cập rất ít tới lĩnh vực dịch vụ tài chính, vốn đóng góp khoảng 150 tỷ GBP (tương đương 204 tỷ USD) mỗi năm hoặc 7% sản lượng kinh tế hằng năm của Vương quốc Anh. Trên thực tế, lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn cả lĩnh vực đánh bắt cá, đây là vấn đề vốn quan trọng về mặt chính trị đối với Anh và là khúc mắc chính dẫn đến việc trì hoãn ký kết thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Do đó, Vương quốc Anh đang tiến hành tìm kiếm các đối tác về hợp tác tài chính trong khu vực. Thụy Sĩ là quốc gia gần đây đã công bố ý định tăng cường hợp tác về dịch vụ tài chính với Anh. Theo đó, kế hoạch giữa hai nước là tạo ra một thỏa thuận cho phép giảm chi phí và rào cản gia nhập cho các doanh nghiệp Anh khi tiếp cận thị trường Thụy Sĩ và ngược lại. Thỏa thuận giữa Anh và Thụy Sĩ bao gồm các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, quản lý tài sản và thị trường vốn, sẽ được đàm phán trong những tháng tới. Đối với các công ty dịch vụ tài chính đã hoạt động ở châu Âu hoặc đang tìm cách hiện diện tại đây, thỏa thuận giữa Anh và Thụy Sĩ sẽ mang lại nhiều sự hỗ trợ và các cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh những công ty dịch vụ tài chính đang gặp nhiều thách thức do dịch Covid-19. Các công ty dịch vụ tài chính cần phải thích ứng với tốc độ số hóa nhanh và quá trình chuyển đổi sang “trạng thái bình thường mới”.
Năm 2019, chứng khoán của Thụy Sĩ bị cấm giao dịch tại thị trường chứng khoán EU sau khi các cuộc đàm phán về một khung thể chế quan hệ song phương mới giữa hai bên thất bại. Do vậy, việc Anh rời khỏi EU đã làm cho nước này không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm của EU đối với giao dịch cổ phiếu Thụy Sĩ. Các nhà đầu tư lớn của Thụy Sĩ như Nestlé, Novartis và Roche đã quay trở lại giao dịch ở Anh với số tiền 250 triệu EUR/ngày; dự kiến tăng lên 1 tỷ EUR trong tương lai. Nếu Anh và Thụy Sĩ đạt được thỏa thuận đây có thể coi như là một sự bù đắp cho những tổn thất do một số hoạt động kinh doanh tài chính rời khỏi Anh kể từ ngày 01/01/2021.
Theo TCA, lĩnh vực tài chính của Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường đơn lẻ và “hộ chiếu” vào EU – một công cụ cho phép các sản phẩm và dịch vụ tài chính của Anh được bán ở EU từ ngày 01/01/2021. Điều này đã làm cho một số công ty của Anh gặp khó khăn hơn trong việc phục vụ hiệu quả các khách hàng trong EU-27. Amsterdam, trung tâm trao đổi chứng khoán lâu đời nhất thế giới, đã vượt qua London để trở thành địa điểm giao dịch cổ phiếu lớn nhất châu Âu. Vào tháng 01/2021, London mất trung bình 8 tỷ EUR/ngày trong giao dịch với EU. Giao dịch trung bình mỗi ngày đạt 9 tỷ EUR, tăng 400% kể từ năm 2020, tại sàn giao dịch chứng khoán Euronext Amsterdam, các chi nhánh của CBOE Europe và Turquoise tại Hà Lan, trong khi đó, giao dịch trung bình hàng ngày của London giảm xuống còn 8,6 tỷ EUR, thấp hơn một nửa so với mức trung bình năm 2020. Điều này cho thấy phần lớn các giao dịch chứng khoán đã chuyển sang các sàn giao dịch tại Hà Lan.
Tương tự như thị trường chứng khoán, thị trường phái sinh lãi suất và thị trường hoán đổi nợ tín dụng của Anh cũng trải qua sự sụt giảm. Tháng 01/2021, 25% giao dịch hoán đổi lãi suất bằng đồng EUR được thực hiện tại Amsterdam và Paris, so với 10% vào 6 tháng trước. Trong cùng thời kỳ, thị phần giao dịch hoán đổi đồng EUR của London đã giảm từ 40% xuống 10%, trong khi tại các sàn giao dịch của Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi giao dịch lên 20%. Hơn nữa, sàn giao dịch CBOE Europe có kế hoạch thành lập một doanh nghiệp giao dịch phái sinh tại Amsterdam vào nửa đầu năm 2021 trong khi sàn giao dịch liên lục địa Intercontinental Exchange có kế hoạch chuyển thị trường giao dịch khí thải carbon (giao dịch lên đến 1 tỷ EUR/ngày) sang Hà Lan.
Hơn nữa, có tới 218 công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh đã chuyển đến hoặc thành lập chi nhánh mới tại Hà Lan do Brexit. Cơ quan Đầu tư nước ngoài Hà Lan đang thảo luận với 550 đơn vị khác.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Anh rời khỏi EU để lại nhiều hậu quả tiềm ẩn. Vương quốc Anh là quốc gia có mạng lưới hàng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ tài chính, với thặng dư thương mại lên tới 60,3 tỷ GBP trong năm 2019. Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính đóng góp gần 76 tỷ GBP, tương đương hơn 10% trong tổng số thuế thu được của Kho bạc Anh năm 2020. Tuy nhiên, là một trung tâm tài chính toàn cầu, vị trí tối quan trọng của London vẫn được thúc đẩy nhờ vai trò là cửa ngõ vào EU-27. Các chiến lược và chính sách đang được cân nhắc của Anh có thể tái định vị lại thị trường tài chính toàn cầu, cũng như giúp nước này tiếp cận nhiều thị trường mới. Anh đang tìm cách tăng cường hợp tác tài chính toàn cầu thông qua xây dựng các khung pháp lý cho phép các công ty dịch vụ tài chính hoạt động trên nhiều thị trường tài chính khác nhau một cách dễ dàng hơn. Cụ thể, Anh hy vọng có thể tiếp cận thị trường tài chính như Nhật Bản và Hoa Kỳ thông qua việc đạt được các thỏa thuận chung, giống như cách Anh đang thực hiện với Thụy Sĩ.
Bên cạnh đó gần đây, UK Finance đã công bố báo cáo đề xuất cách tiếp cận “ngoại giao theo quy định” nhằm giúp các cơ quan quản lý tài chính của Anh dễ dàng làm việc với các đối tác toàn cầu để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường tài chính mới. Theo đó, UK Finance khuyến nghị Vương quốc Anh nên thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và Fintech, cũng như sử dụng“vị trí của mình trong các cơ quan quốc tế (Ủy ban Ổn định tài chính và Ủy ban Basel) để thúc đẩy sự hội nhập toàn cầu về các tiêu chuẩn tài chính. Điều này sẽ giúp các công ty của Anh hoạt động dễ dàng hơn tại các thị trường tài chính.
Mặc dù những đề xuất của UK Finance có thể giúp Anh tạo ra một vai trò toàn cầu mới cho chính mình và bù đắp một số thiệt hại do Brexit gây ra, nhưng, một thỏa thuận dịch vụ tài chính giảm bớt các rào cản giữa EU-27 và Anh vẫn sẽ có ý nghĩa quan trọng và mang lại lợi ích to lớn cho Anh cũng như EU. Đây sẽ là cầu nối mạnh mẽ giữa London và các trung tâm tài chính trong EU-27, thúc đẩy Liên minh thị trường vốn 2.0. Hiện Anh và EU đang hướng tới mục tiêu ký biên bản ghi nhớ về dịch vụ tài chính, qua đó thiết lập một lộ trình hợp tác mới. Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận còn phần lớn phụ thuộc vào định hướng mối quan hệ tổng thể của TCA.
Bài viết liên quan
Mục lục bài viết
Tư vấn & Gửi hàng
Hotline: 0988 809 489
Giám đốc: 0914 936 234
Support 24/7